Ngày nay, thuốc Corticoid đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều trị bệnh. Tuy nhiên việc điều trị cũng như sử dụng corticoid cần có kế hoạch để tránh những tác dụng không mong muốn của thuốc. Trong bài viết này, Nacurgo Gel sẽ cùng bạn tìm hiểu Nguyên tắc sử dụng Corticoid hiệu quả, an toàn nhất.
1. Corticoid là gì?
Corticoid hay còn gọi là Glucocorticoid (GC), là một trong những hormone đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và hoạt động của cơ thể. Corticoid tham gia trực tiếp vào quá trình chuyển hóa năng lượng cũng như quá trình điều hòa huyết áp của cơ thể. Do đó, vấn đề thiếu hụt Corticoid gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như suy nhược cơ thể, suy giảm nồng độ đường trong máu, shock.
Để khắc phục tình trạng suy giảm Corticoid ở một số bệnh nhân, vấn đề sử dụng thuốc có chứa thành phần Corticoid ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên sử dụng Corticoid không đúng cách khiến cơ thể gặp phải nhiều tác dụng không mong muốn, làm rối loạn sinh lý của cơ thể, khiến bệnh tình trở nên trầm trọng hơn và phát sinh ra nhiều bệnh khác. Bệnh nhân sử dụng Corticoid cần tuân thủ các nguyên tắc sử dụng Corticoid theo hướng dẫn của bác sĩ để hạn chế tối đa các phản ứng phụ của thuốc.
Phân loại Corticoid:
Hiện nay các hoạt chất thuộc nhóm Corticoid được chia làm 3 nhóm chính, dựa trên mức độ hoạt động của các hoạt chất:
- Nhóm 1: Nhóm các hoạt chất các tác dụng trong thời gian ngắn, đem lại công dụng chính trong chống viêm, giảm phù nề, giảm dị ứng. Một số hoạt chất thuộc nhóm này bao gồm Cortisol, Hydrocortison.
- Nhóm 2: Nhóm các hoạt chất các tác dụng trong thời gian trung bình, công dụng chính là chống viêm, không gây tích nước và muối trong cơ thể. Một số hoạt chất thuộc nhóm này bao gồm Prednisolone và Methylprednisolone.
- Nhóm 3: Nhóm các hoạt chất các tác dụng trong thời gian dài, khả năng chống viêm cao. Một số hoạt chất thuộc nhóm này bao gồm Betamethasone, Dexamethason, Triamcinolon.
Trên thị trường hiện nay có nhiều dạng chế phẩm Corticoid khác nhau, ví dụ như thuốc uống, thuốc tiêm, thuốc dùng ngoài da, thuốc nhỏ mắt, thuốc khí dung.
2. Cơ chế tác dụng của Corticoid
Các hoạt chất nhóm Corticoid được bài tiết theo cơ chế feedback ngược, chịu sự kiểm soát của trục dưới đồi- tuyến yên. Trong trường hợp nồng độ cortisol ở huyết tương giảm, sẽ làm tăng tiết CRH (hormon vùng dưới đồi), từ đó làm tăng tiết ACTH (hormone vùng tuyến yên), gây kích thích lên vỏ thượng thận, vỏ thượng thận sẽ tăng bài tiết cortisol.
Trường hợp ngược lại, nồng độ cortisol ở huyết tương tăng sẽ ức chế quá trình tăng tiết của CRH và ACTH, từ đó hạn chế sự bài tiết cortisol trong cơ thể. Theo cơ chế này, cơ thể có thể kiểm soát và giữ được cân bằng nồng của cortisol trong máu. Thông thường, nồng độ cortisol trong máu tăng dần từ 4 giờ sáng và đạt nồng độ đỉnh vào khoảng 8 đến 9 giờ sáng, sau đó giảm dần. Thời điểm nồng độ cortisol thấp nhất là 0 giờ. Do vậy, khi sử dụng hoạt chất nhóm Corticoid tránh sử dụng về đêm để tránh làm rối loạn hoạt động của vỏ thượng thận.
Ngoài ra, lượng cortisol vỏ thượng thận tiết ra trung bình từ 15 đến 25 mg mỗi ngày, lượng này có thể tăng 2-10 lần khi cơ thể gặp stress. Khi sử dụng Corticoid cần cân bằng được với nồng độ sinh lý của cơ thể để tránh các tác dụng không mong muốn.
3. Tác dụng của Corticoid trong điều trị
Qua nhiều nghiên cứu khoa học, người ta đã chứng minh Corticoid đem lại nhiều tác dụng cho cơ thể con người và được ứng dụng nhiều trong điều trị các bệnh lý.
Tác dụng của Corticoid trong hoạt động cơ thể:
- Tham gia vào các quá trình chuyển hóa của cơ thể như glucid, protid, chuyển hóa nước và điện giải.
- Tác động trực tiếp lên thần kinh trung ương, có khả năng giải tỏa trạng thái căng thẳng lo âu, trong một số trường hợp làm thay đổi tính cách bệnh nhân.
- Ảnh hưởng tới tim mạch: làm tăng nhịp tim, tăng giữ muối và giữ nước trong cơ thể.
- Ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa: hạn chế quá trình bài tiết dịch nhầy trên niêm mạc dạ dày, kích thích quá trình bài tiết acid dịch vị.
Tác dụng chống viêm của Corticoid: Một số cơ chế đã được chứng minh trong nghiên cứu chống viêm của Corticoid:
- Corticoid hạn chế sự di chuyển của các bạch cầu về ổ viêm, từ đó hạn chế các nguyên nhân hình thành hiện tượng viêm.
- Corticoid ức chế quá trình giải phóng của các hoạt chất trung gian gây viêm.
- Corticoid làm giảm hoạt tính của các hoạt chất trung gian gây viêm.
- Tác dụng chống dị ứng của Corticoid: Corticoid ức chế sự giải phóng của các hoạt chất trung gian gây dị ứng như histamin hay serotonin, từ đó ngăn chặn được tình trạng dị ứng của bệnh nhân.
- Tác dụng ức chế miễn dịch của Corticoid: Tác dụng này của Corticoid đã được cụ thể hóa qua các nghiên cứu về ức chế quá trình sinh trưởng của lympho T, ức chế quá trình sản xuất interleukin 1, interleukin 2; ức chế sản xuất TNF cùng với nhiều tác dụng khác.
4. Chỉ định sử dụng corticoid
Hoạt chất Corticoid thường được chỉ định sử dụng trong một số trường hợp nhất định, bao gồm:
- Khắc phục tình trạng viêm cho bệnh nhân trong thời gian ngắn.
- Điều trị các bệnh lý ngoài da, thích hợp sử dụng cho người gặp tình trạng viêm da, sừng hóa da, khô da, nấm da.
- Khắc phục tình trạng dị ứng cho người bệnh.
- Chỉ định sử dụng cho bệnh nhân mắc phải các bệnh suy giảm hệ miễn dịch như viêm khớp dạng thấp, suy thận mức độ nặng, hen, lupus ban đỏ, thấp tim.
- Nâng cao và tăng cường chức năng hệ thần kinh trung ương.
- Phối hợp với các thuốc đặc trị khác trong hỗ trợ các hoạt động chuyển hóa của cơ thể.
5. Tác dụng không mong muốn khi sử dụng corticoid và biện pháp khắc phục
Bên cạnh những tác dụng mà Corticoid đem lại, Corticoid cũng là hoạt chất tiềm ẩn nhiều nguy cơ, gây nên nhiều tác dụng không mong muốn cho người sử dụng. Những tác dụng phụ này có thể ở mức độ nhẹ, cũng có thể ở mức độ nặng, tùy thuộc vào liều Corticoid sử dụng, do đó bệnh nhân nên thận trọng khi dùng các chế phẩm thuốc có thành phần chứa Corticoid.
Một số tác dụng không mong muốn của Corticoid đã được ghi nhận bao gồm:
- Ức chế sự phát triển xương của trẻ em, khiến trẻ chậm lớn, thấp bé.
- Gây loãng xương: Corticoid làm giảm quá trình tạo xương và kích thích quá trình hủy xương, ức chế sự hấp thu calci trong cơ thể, từ độ khiến mật độ xương suy giảm, gây nên tình trạng loãng xương. Xương sẽ gặp phải một số vấn đề như dễ gãy, giòn xương, xốp xương.
- Suy giảm chức năng vỏ thượng thận: Tác dụng phụ này thường gặp phải ở đối tượng sử dụng Corticoid không đúng liều lượng và không đúng thời gian.
- Rối loạn quá trình chuyển hóa nước và điện giải.
- Ảnh hưởng tới hệ thần kinh, bệnh nhân dễ bị trầm cảm hay hưng phấn đột ngột, tính cách thay đổi bất thường.
- Tăng nồng độ glucose trong máu.
- Tăng nguy cơ bị viêm loét dạ dày tá tràng khi phối hợp sử dụng cùng thuốc NSAID.
- Hội chứng Cushing (tình trạng rối loạn phân bố mỡ trong cơ thể).
- Tác dụng phụ khi sử dụng ngoài da như gây teo da, giãn mao mạch da, tăng nguy cơ xuất hiện các vết loét, làm chậm quá trình hồi phục các tế bào tổn thương trên da.
- Corticoid gây ảnh hưởng tới thị giác, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể.
- Sử dụng Corticoid dạng khí dung, dạng hít làm tăng nguy cơ nhiễm nấm candida, gây ho.
6. Nguyên tắc sử dụng corticoid của Bộ Y Tế
Các nguyên tắc chung cần tuân thủ khi sử dụng Corticoid tại chỗ hay toàn thân:
- Corticoid chủ yếu khắc phục các triệu chứng của bệnh tình, ít có khả năng điều trị tận gốc. Trong quá trình điều trị cần phối hợp với các loại thuốc khác để nâng cao hiệu quả điều trị của bệnh nhân. Tránh lạm dụng thuốc Corticoid trong thời gian dài do không thể trị hoàn toàn được bệnh.
- Tuân thủ liều dùng theo hướng dẫn chỉ định của bác sĩ. Trung bình cơ thể một ngày sản sinh từ 15 đến 25 mg cortisol, do đó liều lượng sử dụng không được phép phá vỡ nồng độ sinh lý của Corticoid trong cơ thể. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh của bệnh nhân, dạng thuốc sử dụng mà cần điều chỉnh liều cho phù hợp.
- Tuân thủ thời gian sử dụng Corticoid: sử dụng Corticoid trong thời gian dài để lại nhiều biến chứng cho cơ thể. Với các liệu trình điều trị sử dụng liều cao, thời gian điều trị thường không kéo dài quá 1 tuần. Với liều rất cao thường sử dụng 1 lần duy nhất trong cả liều trình. Đối tượng sử dụng Corticoid liều cao trong thời gian dài làm tăng nguy cơ nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng.
- Tùy thuộc vào liều dùng, thời gian sử dụng mà bệnh nhân có cần giảm liều khi ngưng thuốc hay không. Với người sử dụng Corticoid dưới 2 đến 3 tuần, bệnh nhân có thể ngưng thuốc mà không cần giảm liều từ từ. Với người sử dụng Corticoid trong thời gian dài trên 4 tuần, cần giảm liều trước khi ngưng thuốc theo chế độ cách ngày.
- Thận trọng khi sử dụng Corticoid cho phụ nữ đang trong thai kỳ.
- Tuân thủ chế độ dinh dưỡng ít đường, ít muối, ít dầu mỡ khi tham gia sử dụng Corticoid; tăng cường các thực phẩm giàu calci, protid, kali.
- Khai thác tiền sử và thông tin của bệnh nhân để hạn chế các nguy cơ trên người bệnh như tăng huyết áp, suy giảm chức năng thận.
- Đối với dạng Corticoid dùng ngoài da, cần chú ý sử dụng Corticoid trên vùng da bị bệnh, không sử dụng trên vùng da rộng để tránh gây kích ứng da. Sử dụng thuốc đều đặn 2 đến 4 lần mỗi ngày trong thời gian từ 2 tuần (đối với thuốc có tác dụng mạnh) đến 6 tuần (đối với thuốc có tác dụng nhẹ) để nhận thấy hiệu quả rõ rệt.
7. Một số lưu ý khi sử dụng corticoid để đảm bảo an toàn và hiệu quả
Để hạn chế tối đa các tác dụng phụ khi sử dụng Corticoid và nâng cao hiệu quả của thuốc, người dùng cần chú ý một số điểm sau đây:
- Sử dụng Corticoid tuân theo hướng dẫn chỉ định của bác sĩ điều trị. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.
- Xây dựng chế độ ăn dinh dưỡng và cân bằng, khoa học với cơ thể: bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều calci và protein, kali; hạn chế các loại thực phẩm nhiều đường, nhiều muối và nhiều dầu mỡ. Hạn chế sử dụng các đồ ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn. Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu bia thuốc lá. Ưu tiên chế độ ăn nhạt.
- Theo dõi và kiểm tra sức khỏe định kỳ.
- Bảo quản thuốc Corticoid ở nơi cách xa khu vực có trẻ nhỏ và thú nuôi trong nhà.
- Bảo quản Corticoid ở nơi khô ráo, thoáng mát, nhiệt độ phòng không quá 30 độ C và độ ẩm không quá 80%. Không để thuốc ở nơi ẩm ướt và có ánh sáng trực tiếp chiếu vào.
- Sản phẩm không sử dụng cần thu hồi tại nơi quy định (nếu có).
Dung đã bình luận
Những kiến thức thật bổ ích, cảm ơn tác giả rất nhiều