Trong thời gian mang bầu, khá nhiều phụ nữ gặp vấn đề với mụn trứng cá. Vậy nguyên nhân bà bầu bị mụn trứng cá là gì? Cùng tham khảo bài viết dưới đây của Nacurgo Gel để tìm hiểu nguyên nhân cũng như cách trị mụn trứng cá cho bà bầu.
Tình trạng mụn trứng cá khi mang thai
Nhiều phụ nữ trong quá trình mang thai thường xuất hiện bị mụn trứng cá, ở các mức độ từ nhẹ cho đến nghiêm trọng. Với những người trước kia chưa từng bị mụn trứng cá cũng có thể bị mụn trong giai đoạn này. Theo thống kê cho thấy hơn 50% phụ nữ khi mang thai bị mụn trứng cá.
Tình trạng mụn trứng cá trong thai kỳ không phải một vấn đề quá nghiêm trọng nhưng để xử lý đúng cách và không gây nguy hiểm tới thai phụ hay thai nhi thì cần hiểu rõ và sử dụng những phương pháp phù hợp.
Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là sự thay đổi nội tiết tố đột ngột trong thời kỳ mang thai, sự thay đổi này chủ yếu diễn ra trong ba tháng đầu thai kỳ, do đó đây cũng là thời điểm mà thai phụ dễ bị mụn trứng cá nhất.
Như vậy, những thai phụ không gặp tình trạng mụn trong ba tháng đầu thì tỷ lệ cao sẽ không bị mụn trong thời gian còn lại; còn đối với những người bị mụn trước kia hoặc hay bị mụn trong chu kỳ kinh nguyệt thì tỷ lệ bị mụn sẽ cao hơn. Sự rối loạn nội tiết tố khiến cho cơ thể tăng sinh quá trình bài tiết sebum là một chất nhờn của da quá mức, các chất nhờn gây bít tắc lỗ chân lông và hình thành mụn trên da.
Để khắc phục tình trạng này có nhiều phương pháp và chế phẩm thuốc khác nhau, tuy nhiên cần lựa chọn chính xác và phù hợp để không làm ảnh hưởng tới thai nhi. Mọi loại thuốc có nguy cơ nhỏ hay lớn với thai nhi đều không được phép sử dụng trong giai đoạn này.
Nguyên nhân gây ra mụn trứng cá cho bà bầu
Sự hình thành mụn trứng cá ở phụ nữ đang mang thai do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có một số nguyên nhân chính và nhiều người gặp phải bao gồm:
- Rối loạn nội tiết tố trong thai kỳ khiến cho nồng độ androgen trong cơ thể tăng cao, từ đó kích thích quá trình sản xuất và bài tiết sebum lên bề mặt da. Các chất nhờn này nếu không được làm sạch thường xuyên sẽ gây bít tắc lỗ chân lông và tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn phát triển.
- Sử dụng các mỹ phẩm chứa hàm lượng các chất thân dầu cao. Các chất thân dầu này nếu không được làm sạch thì sẽ bám tại các lỗ chân lông, tích tụ lâu ngày tạo nhân mụn.
- Đối tượng từng bị mụn trứng cá trong giai đoạn dậy thì hoặc bị mụn trong chu kỳ kinh nguyệt cũng là cơ sở khiến cho mụn bùng phát trong thời kỳ mang thai.
- Da yếu do hệ miễn dịch tại da bị suy giảm, da không chống chịu được với các tác nhân xấu từ bên ngoài môi trường như khói bụi, vi khuẩn, ô nhiễm, tia UV.
Cách điều trị mụn trứng cá cho bà bầu an toàn nhất
Thuốc chữa mụn trứng cá cho bà bầu
Hiện nay có nhiều loại thuốc được sử dụng để điều trị mụn trứng cá, đa phần ở dạng uống và dạng bôi ngoài da. Sau khi vào cơ thể, một lượng thuốc nhỏ được hấp thu vào da và phát huy tác dụng; phần còn lại của thuốc sẽ được hấp thu vào máu tuần hoàn trong cơ thể, do đó gây ra các tác động trực tiếp lên thai nhi. Nên lựa chọn thuốc chứa hoạt chất an toàn, lành tính và không ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi.
Phụ nữ trong thời kỳ mang thai muốn trị mụn trứng cá thường được bác sĩ kê đơn sử dụng Erythromycin và Clindamycin, đây là hai hoạt chất có mức độ an toàn cao đối với sự phát triển của thai nhi. Bên cạnh đó, Benzoyl Peroxide cũng được sử dụng trong một số trường hợp thực sự cần thiết. Hiện nay chưa đủ cơ sở chứng minh sự an toàn tuyệt đối của benzoyl peroxide trên thai nhi nên hoạt chất này không được khuyến khích sử dụng.
Trị mụn trứng cá không dùng thuốc
Bên cạnh phương pháp sử dụng thuốc trị mụn trứng cá cho bà bầu, với những chị em bị mụn không quá nghiêm trọng thì có thể sử dụng các phương pháp không dùng thuốc để dần cải thiện làn da của mình. Ví dụ như:
- Làm sạch da mặt hàng ngày với nước, có thể sử dụng thêm các loại sữa rửa mặt có tính dịu nhẹ và an toàn. Chú ý các sản phẩm làm sạch không nên có tác động tẩy rửa quá mạnh vì có thể gây kích ứng với da nghiêm trọng hơn.
- Làm sạch tóc thường xuyên để tránh bị mụn vùng chân tóc. Bị mụn vùng chân tóc là trường hợp gặp nhiều tại các bà bầu.
- Hạn chế sử dụng các mỹ phẩm chứa thành phần có khả năng gây kích ứng cho da như kem chống nắng, đồ trang điểm, phấn nền, cushion, kem che khuyết điểm.
- Nên sử dụng các sản phẩm dưỡng da thân nước để hạn chế tình trạng gây bít tắc lỗ chân lông. Bề mặt da khô thoáng sẽ khiến vi khuẩn không thuận lợi phát triển và sinh mụn.
- Hạn chế chạm tay lên mặt vì tay tiếp xúc với nhiều vật hàng ngày và dễ lây nhiễm vi khuẩn bất lợi.
- Không cố nặn mụn vì dễ để lại thâm và sẹo trên da.
Bà bầu cần tránh phương pháp điều trị mụn trứng cá nào?
Nhiều hoạt chất sau khi được đưa vào cơ thể, theo tuần hoàn máu gây tác động bất lợi tới sự phát triển của thai nhi, có thể gây dị tật bẩm sinh, sinh non hoặc dọa sảy thai. Trong thời kỳ mang thai, thai phụ nên tránh sử dụng các loại thuốc và liệu pháp sau để điều trị mụn trứng cá:
- Hoạt chất Isotretinoin thường được sử dụng dưới dạng viên uống. Isotretinoin là thuốc trong danh mục kê đơn, khi sử dụng Isotretinoin cần chỉ định và hướng dẫn kỹ lưỡng từ bác sĩ điều trị để tránh các rủi ro. Isotretinoin có hoạt tính rất mạnh, gây dị tật bẩm sinh cho trẻ nên chống chỉ định sử dụng trong thai kỳ. Mặt khác, Isotretinoin có thời gian lưu dài trong cơ thể, cho nên trước và sau khi sử dụng Isotretinoin để điều trị ít nhất 1 tháng, bệnh nhân đều phải uống thuốc tránh thai hoặc sử dụng các biện pháp tránh thai thích hợp.
- Nhóm thuốc kháng sinh tetracycline: Một số đại diện của nhóm này bao gồm Doxycycline và Minocycline. Các nghiên cứu đã có bằng chứng chứng minh Tetracycline làm giảm sự phát triển xương ở trẻ, đồng thời làm đổi màu răng ở trẻ (màu trắng chuyển sang màu nâu đen). Kháng sinh Tetracycline chống chỉ định sử dụng cho phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu thai kỳ và không khuyến khích sử dụng trong thời gian còn lại.
- Corticosteroid là hoạt chất thường xuyên được sử dụng để điều trị mụn trứng cá mức độ nặng. Nhưng nó gây ra nhiều hậu quả đối với thai nhi như sinh non, dọa sẩy thai, nứt miệng trẻ sơ sinh khi sử dụng trong thai kỳ. Do vậy Corticosteroid nằm trong nhóm những thuốc bị chống chỉ định sử dụng trong giai đoạn mang thai. Việc sử dụng Corticosteroid cần được cân nhắc lợi ích nguy cơ trước khi sử dụng cho bà bầu.
- Thuốc retinoids bôi ngoài da thẩm thấu tốt qua các lớp tế bào và đi vào tuần hoàn máu, tác động xấu tới thai nhi. Một số dẫn chất của retinoids như adapalene (Differin), tazarotene (Tazorac) và tretinoin (Retin-A) bị chống chỉ định sử dụng trong thai kỳ.
- Liệu pháp hormone có thể làm tình trạng rối loạn hormone trở nên nghiêm trọng hơn. Liệu pháp thường được sử dụng là bổ sung các chất kháng androgen (spironolactone và flutamide), gây ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi, trong trường hợp xấu có thể khiến dị tật bẩm sinh ở thai nhi.
Điều trị mụn trứng cá cho phụ nữ mang thai ưu tiên sử dụng các biện pháp không dùng thuốc. Khi các biện pháp không dùng thuốc không đem lại hiệu quả thì chuyển sang sử dụng các loại thuốc an toàn đối với cả mẹ và trẻ. Thận trọng khi sử dụng bất kỳ chế phẩm thuốc nào. Tham khảo ý kiến của bác sĩ và chuyên gia trước khi sử dụng thuốc, đặc biệt là trong ba tháng đầu của thai kỳ.
Cách chăm sóc bà bầu bị mụn trứng cá
Trong thời kỳ mang thai mà bị mụn trứng cá thì mẹ bầu nên áp dụng những thói quen chăm sóc da kỹ lưỡng để phần nào hạn chế và làm giảm mụn. Chăm sóc một làn da khỏe mạnh cũng là một yếu tố quan trọng để làm giảm mức độ nghiêm trọng của mụn. Để được như vậy, mẹ bầu cần áp dụng một số cách chăm sóc sau:
- Sử dụng các sản phẩm làm sạch da có tính dịu nhẹ, an toàn, lành tính với da. Tốt nhất nên sử dụng các sản phẩm được chiết xuất từ thảo dược. Mỗi ngày nên làm sạch da với sản phẩm chuyên dụng 2 lần để loại bỏ dầu thừa trên da.
- Bên cạnh làm sạch da mặt, cũng cần làm sạch tóc thường xuyên để không bị mụn ở vùng chân tóc; hoặc tóc bẩn dính vào da mặt gây mụn.
- Không sử dụng các chất dễ gây kích ứng với da. Với những mỹ phẩm thường dùng nên chọn loại “non-comedogenic”, đây là các chế phẩm thân nước không gây bít tắc lỗ chân lông, không gây mụn.
- Trong thực đơn hàng ngày nên bổ sung thêm nhiều rau xanh và trái cây, hạn chế sử dụng đồ cay nóng và nhiều dầu mỡ; hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu bia thuốc lá.
- Sinh hoạt điều độ, không ngủ quá muộn, không để bản thân bị stress kéo dài.
Video hướng tư vấn cách chăm sóc mẹ bầu khi bị mụn
Một số câu hỏi liên quan
Bị mụn trứng cá có phải dấu hiệu mang thai không?
Mụn trứng cá là dấu hiệu cơ thể bị rối loạn nội tiết tố hoặc da nhiễm các vi khuẩn P.acnes gây mụn. Có nhiều trường hợp và bệnh lý khiến nội tiết thay đổi và sinh mụn. Do đó, mụn trứng cá không phải là một dấu hiệu đặc trưng khi mang thai. Tuy nhiên, trước khi mang thai nếu bạn bị mụn trứng cá thì khả năng cao sẽ bị mụn trong thai kỳ. Mức độ nghiêm trọng sẽ giảm dần trong thai kỳ.
Mụn trứng cá xuất hiện vào giai đoạn nào của thai kỳ?
Mụn trứng cá thường xuất hiện trong ba tháng đầu của thai kỳ vì đây là thời kỳ thay đổi nội tiết lớn nhất. Lượng hormone androgen được sinh ra kích thích quá trình bài tiết dầu nhờn trên da khiến da bị bịt tắc và dễ sinh mụn.
Khi nào mụn trứng cá sẽ biến mất?
Nếu bạn chăm sóc da tốt hay kết hợp những sản phẩm phù hợp thì tình trạng mụn sẽ nhanh chóng biến mất. Mụn chỉ xuất hiện nhiều nhất trong 3 tháng đầu thai kỳ và giảm dần trong 6 tháng tiếp theo; cho đến sau khi sinh con mụn có thể hoàn toàn biến mất mà không cần điều trị.
Nổi mụn khi mang thai có thể quyết định giới tính của em bé không?
Hiện nay chưa có cơ sở khoa học nào xác thực được vấn đề tình trạng mụn gặp phải trong thai kỳ quyết định giới tính của em bé. Mọi người thường truyền tai rằng nếu bị mụn thì khả năng lớn sẽ là bé gái. Tuy nhiên đây chỉ là những thông tin truyền miệng chưa được kiểm chứng.
Đọc thêm các bài viết cùng chủ đề:
Mụn trứng cá ở mũi: Nguyên nhân, Cách điều trị, Lời khuyên từ chuyên gia
Mụn trứng cá trên má: Nguyên nhân, Cách điều trị và Phòng tránh
Thảo đã bình luận
E đang có bầu 21 tuần có dùng đc gel nacurgo trị mụn này không ạ
Dược sĩ Hà Phương đã bình luận
Chào Thảo! Nacurgo Gel có nguyên liệu hoàn toàn từ thiên nhiên, sản phẩm an toàn và phù hợp với mọi đối tượng sử dụng ạ, ngay cả với những làn da nhạy cảm, da mỏng hoặc phụ nữ đang mang thai, trẻ nhỏ đều an toàn khi sử dụng sản phẩm. Vì vậy bạn có thể yên tâm sử dụng để cải thiện cho làn da của mình nhé!
Nhung đã bình luận
Bài viết rất hay, cảm ơn bạn đã chia sẻ