Sẹo lồi là dạng sẹo khó điều trị, hình thành sau một thời gian lành vết thương hay vết mổ. Hiện tại có những phương pháp trị sẹo lồi nào tốt, hãy cùng Nacurgo Gel tìm hiểu trong bài viết này.
1. Sẹo lồi là gì? Quá trình hình thành sẹo lồi
Sẹo lồi là kết quả của việc tự làm lành vết thương của cơ thể sau khi bị tổn thương, tạo nên vùng da cao hơn so với bề mặt da thông thường, thường do sự thay thế của các nguyên bào sợi cho vùng da bị thương.
Quá trình tự làm lành vết thương của cơ thể thường trải qua ba giai đoạn gồm giai đoạn phản ứng viêm, giai đoạn tăng sinh và giai đoạn tái tạo tổ chức; kéo dài từ 3 cho đến 6 tháng. Trong khoảng thời gian này, tùy thuộc vào các yếu tố tác động cũng như cơ địa da của từng người mà có quyết định dẫn tới hình thành sẹo lồi hoặc không.
Theo nghiên cứu nhận thấy sự hình thành của sẹo lồi là do sự tăng sinh quá mức của các tổ chức xơ sau tổn thương da, khiến vùng da mới tái tạo cao lên trên bề mặt da và có xu hướng lan rộng ra khỏi vùng da bị tổn thương ban đầu, gây mất thẩm mỹ.
Sẹo lồi có thể gặp ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, thường gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới và chủ yếu gặp ở đối tượng từ 10 cho đến 30 tuổi.
2. Dấu hiệu nhận biết sẹo lồi
Để nhận biết được chính xác sẹo lồi, bạn đọc có thể căn cứ vào một số đặc điểm sau:
- Sẹo lồi là kết quả của việc tăng sinh collagen quá mức trong quá trình làm lành vết thương, sẹo lồi không thể thu nhỏ kích thước theo thời gian nếu không có tác động từ việc điều trị.
- Sẹo lồi có thể có kích thước lớn hơn vùng bị tổn thương ban đầu. Tùy thuộc vào cơ địa da cũng như các yếu tố tác động khác, bất kỳ vết thương nào cũng có thể hình thành sẹo lồi như vết thương do chấn thương, tai nạn; mụn trứng cá bị viêm nhiễm; vết côn trùng cắn.
- Sẹo lồi thường có màu thẫm, màu đỏ hoặc màu nâu, bề mặt nhẵn. Vết thương lúc này tuy đã lành nhưng khi chạm vào sẹo lồi vẫn thể có cảm giác đau rát, ngứa hay khó chịu.
- Các vị trí thường bắt gặp sẹo lồi như vai, đầu gối, cánh tay, ngực.
- Sẹo lồi tuy không làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người bị nhưng gây mất thẩm mỹ, đặc biệt là đối với con gái, cho nên cần tìm những phương pháp điều trị và khắc phục kịp thời.
3. Nguyên nhân hình thành sẹo lồi
Theo nghiên cứu chỉ ra một số nguyên nhân chính dẫn tới việc hình thành sẹo lồi như:
- Cơ địa da: Những đối tượng có cơ địa da để lại sẹo lồi thì có nguy cơ cao bị sẹo lồi dù vết thương nhỏ hay lớn; do vậy vấn đề phòng ngừa và chăm sóc vết thương ở những đối tượng này cần cẩn trọng hơn so với người bình thường.
- Vết thương bị nhiễm trùng nhiễm khuẩn: Vết thương không được xử lý sạch sẽ, để bị viêm nhiễm tái phát nhiều lần, hoặc trong vết thương còn vật thể lạ như bụi bẩn, lông tóc,… cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới hình thành sẹo lồi.
- Băng bó vết thương không đúng cách: Khi dùng băng gạc che đậy lại vết thương để tránh tiếp xúc với môi trường bên ngoài, kéo căng vùng da bị thương hoặc khiến cho vết thương không bằng phẳng cũng có thể gây sẹo lồi. Do đó kĩ thuật băng bó cần chuyên nghiệp và đúng cách; đặc biệt cần lưu ý nếu có giải phẫu vết thương.
- Hình thành sẹo lồi do tự ý nặn mụn không đúng cách: Như đã đề cập, với những đối tượng có cơ địa da sẹo lồi thì các vết thương nhỏ như mụn trứng cá cũng có thể làm hình thành sẹo lồi trên mặt. Ngoài ra trong trường hợp để vết mụn trứng cá bị nhiễm trùng nhiễm khuẩn thì kích thước sẹo có thể lan rộng, gây mất thẩm mỹ cao.
- Chế độ ăn uống, dinh dưỡng trong quá trình chăm sóc vết thương: Nên bổ sung các thực phẩm giúp thúc đẩy quá trình làm lành vết thương; đồng thời hạn chế các loại thức ăn làm tăng nguy cơ hình thành sẹo lồi như rau muống, lòng đỏ trứng, xôi, thịt gà.
4. Các phương pháp điều trị sẹo lồi
Tùy thuộc vào kích thước và mức độ nghiêm trọng của vết sẹo lồi để lại sau vết thương mà lựa chọn những phương pháp phù hợp và hiệu quả. Thông thường, điều trị sẹo lồi nhằm mục đích thu nhỏ kích thước vết sẹo, giúp vết sẹo mềm và phẳng hơn so với bề mặt da. Các phương pháp chỉ giúp khắc phục về mặt thẩm mỹ chứ khó điều trị tận gốc các vết sẹo.
Một số phương pháp điều trị sẹo lồi phổ biến hiện nay:
4.1 Điều trị nội khoa
Tiêm steroid
Đối với những vết sẹo lồi có kích thước từ nhỏ tới trung bình, người ta thường sử dụng phương pháp tiêm steroid trực tiếp vào vết sẹo để vết sẹo bằng phẳng hơn và có màu tương đồng với vùng da xung quanh hơn. Hoạt chất thường được sử dụng thuộc nhóm Corticosteroid, có tác dụng ức chế alpha 2-macroglobulin và enzyme collagenase. Khi đưa corticosteroid vào tế bào da, quá trình tăng sinh collagen bị kiểm soát, đồng thời các sợi collagen cũ bị thoái hóa, làm vết sẹo xẹp đi; phân hủy hắc sắc tố tại vết sẹo giúp vết sẹo sáng màu hơn.
Phương pháp này chỉ được thực hiện ở các cơ sở y tế chuyên nghiệp với kỹ thuật chuẩn xác. Mục đích của việc tiêm steroid là đưa hoạt chất vào lớp nhu bì da, khu vực chính tạo enzyme collagenase. Nếu kỹ thuật tiêm không chính xác, hoạt chất được đưa vào vùng mô dưới da sẽ làm tăng nguy cơ teo lớp mỡ dưới da.
Liệu trình điều trị thường kéo dài phụ thuộc vào tình trạng đáp ứng của bệnh nhân. Thông thường các mũi tiêm cách nhau từ 1 cho đến 2 tháng, được bác sĩ theo dõi và chỉ định thời điểm tiêm tiếp theo.
Áp dụng liệu pháp tiêm steroid có thể gặp một số tác dụng không mong muốn như teo da, giãn mao mạch… Cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ để hạn chế tối đa các phản ứng phụ.
Điều trị nội khoa tiêm steroid có thể kết hợp với phương pháp dán gel silicon hoặc sử dụng nitrogen dạng lỏng.
Điều trị sẹo lồi bằng 5-flurouracil
Tiêm 5-flurouracil vào vết sẹo lồi cũng là một trong những phương pháp được áp dụng nhiều hiện nay và đem lại hiệu quả cao. Phương pháp này thích hợp với những vết sẹo nhỏ, đứng độc lập.
Liệu trình tiêm 5-flurouracil thường kéo dài từ 5 cho đến 10 lần tiêm, khoảng cách giữa các lần tiêm tuân theo hướng dẫn chỉ định của bác sĩ. Qua nghiên cứu, các chuyên gia nhận thấy kết hợp 5-flurouracil cùng Triamcinolone acetonide cho hiệu quả nhanh và cao hơn so với việc sử dụng đơn độc thuốc tiêm 5-flurouracil.
Điều trị sẹo lồi bằng Interferon
Phương pháp này phù hợp với những vết sẹo lồi có kích thước lớn và cần can thiệp phẫu thuật. Sau khi phẫu thuật loại bỏ sẹo lồi sẽ kết hợp tiêm Interferon nhằm ngăn ngừa tái phát sẹo lồi sau này. Interferon thông qua quá trình khử RNA nội bào sẽ ức chế quá trình tổng hợp của collagen, hạn chế tình trạng tăng sinh quá mức của collagen.
Đối với vết sẹo lồi ngay sau phẫu thuật, sử dụng 1 triệu đơn vị Interferon/ 1 cm chiều dài vết sẹo. Có thể tiêm nhắc lại 1 đến 2 tuần sau đó tùy theo hướng dẫn chỉ định của bác sĩ. Chi phí cho phương pháp này khá cao, cần tham khảo kỹ lưỡng trước khi tham gia điều trị.
Điều trị sẹo lồi bằng Imiquimod
Hoạt chất Imiquimod thường được bào chế dạng kem, thường được sử dụng bôi ngoài da, có tác dụng sản sinh Interferon tại vùng da được bôi thuốc. Giống như thuốc tiêm Interferon, kem Imiquimod được khuyên dùng ngay sau khi phẫu thuật loại bỏ sẹo lồi.
Liệu trình điều trị thường kéo dài khoảng 2 tháng hoặc hơn, tùy thuộc vào đáp ứng của da đối với loại thuốc đang sử dụng. Khi sử dụng kem Imiquimod có thể gặp một số tác dụng phụ, trong đó thường gặp nhất là hiện tượng tăng sắc tố tại vùng da điều trị.
Một số phương pháp điều trị nội khoa khác
- Sử dụng Flurandrenolide dạng miếng dán ngoài da: sử dụng liên tục từ 12 đến 20 giờ/ngày, sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ. Lạm dụng miếng dán Flurandrenolide có thể làm tăng nguy cơ gây teo da. Miếng dán này có tác dụng làm mềm và làm phẳng vết sẹo, giảm ngứa và khó chịu cho vết sẹo.
- Tiêm Bleomycin 1 mg/mL với liều lượng khoảng 0.1 đến 1 mL.
- Một số hoạt chất khác dạng bôi ngoài da như Clobetasol, Tacrolimus, Methotrexate, Pentoxifylline, Colchicine, Tretinoin, D-penicillamine, Verapamil, Cyclosporine, kẽm.
4.2 Điều trị ngoại khoa
Điều trị ngoại khoa cho sẹo lồi chỉ được áp dụng cho các vết sẹo lồi có kích thước lớn và không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.
Nguyên tắc của các phương pháp điều trị ngoại khoa: Cắt bỏ vùng sẹo lồi và khâu khép miệng, có thể sử dụng mảng da ghép khác để giảm lực căng tại vùng da khâu khép miệng. Áp dụng phương pháp này cần cân nhắc kỹ lưỡng để tránh tình trạng tái phát sẹo lồi sau này như cơ địa da sẹo lồi, gia đình có tiền sử sẹo lồi, vết thương đã bị nhiễm trùng sâu, vị trí phẫu thuật khó khăn (ngực, vai).
Phẫu thuật
Phẫu thuật cắt bỏ sẹo lồi sau đó kết hợp với các phương pháp điều trị nội khoa là quy trình được áp dụng phổ biến hiện nay. Sau phẫu thuật cắt bỏ sẹo lồi có thể tiêm corticosteroid, tiêm 5-flurouracil, tiêm Interferon, bôi kem Imiquimod hay sử dụng băng ép. Để đảm bảo hiệu quả và an toàn cho vết thương mới khâu, nên bảo vệ vết khâu khoảng 10 đến 2 tuần để tránh vết khâu bị hở miệng, do thuốc gây mê sử dụng trong phẫu thuật có thể làm chậm quá trình khép miệng.
Đối với những vết khâu không khép miệng được thì nên sử dụng các biện pháp khác tuân theo hướng dẫn của bác sĩ. Với những vết sẹo lồi quá lớn hoặc số lượng nhiều khó thực hiện phẫu thuật cắt bỏ thì có thể áp dụng phương pháp bào mòn, sau đó tiêm corticosteroid, tiêm 5-flurouracil, tiêm Interferon, bôi kem Imiquimod hay sử dụng băng ép bình thường.
Phẫu thuật lạnh
Phương pháp phẫu thuật lạnh bản chất là sử dụng nitrogen lỏng (nhiệt độ khoảng -196 độ C) để thực hiện đông lạnh vết sẹo lồi, khiến các mô sẹo bị hoại tử, bong tróc và làm phẳng vết sẹo. Trong điều kiện thiếu oxy thì quá trình các mô sẹo hoại tử sẽ diễn ra nhanh chóng hơn.
Thông thường các chuyên gia sẽ phun trực tiếp nitrogen lỏng lên vùng sẹo lồi, các lần điều trị cách nhau từ 2 cho đến 3 tuần. Để nhận thấy hiệu quả rõ rệt cần áp dụng phương pháp này từ 8 đến 10 lần điều trị. Tùy theo đáp ứng của cơ thể mà hiệu quả đem lại từ 50 đến 70%. Tỷ lệ thành công có thể được cải thiện khi kết hợp cùng phương pháp điều trị nội khoa tiêm corticosteroid.
4.3 Phương pháp xạ trị
Phương pháp xạ trị thường được sử dụng kết hợp với phẫu thuật ngăn ngừa sẹo lồi tái phát sau này. Quá trình chiếu xạ thường bắt đầu sau khi phẫu thuật 2 tuần, khi vết khâu đã ổn định và khép miệng. Xạ trị thường được dùng với liều cao trong thời gian ngắn để đem lại hiệu quả tối ưu (khoảng 88%) và hạn chế tối đa các tác dụng không mong muốn.
Một số phương pháp vật lý kết hợp khác như dùng tia laser, cột thắt, băng ép.
5. Các phương pháp ngăn ngừa sẹo lồi
Một số phương pháp ngăn ngừa sẹo lồi được chuyên gia khuyến cáo:
- Vệ sinh chăm sóc vết thương đúng cách: Với những vết thương mới và nhẹ nên rửa sạch với nước muối sinh lý, sau khi vết thương khép miệng và bắt đầu lên da non có thể kết hợp sử dụng nghệ hay thuốc trị sẹo để hạn chế hình thành sẹo lồi. Với những vết thương sâu, vệ sinh sạch với nước muối sinh lý, sát khuẩn và băng lại bằng băng gạc.
- Băng gạc vừa đủ chặt đối với vùng bị thương, nên sử dụng các vật dụng chuyên dụng để băng gạc không bị dính vào da bị tổn thương.
- Kết hợp sử dụng bằng gel silicone để kiểm soát sự phát triển của sẹo lồi, mỗi ngày khoảng 12 giờ, duy trì liên tục từ 2 cho đến 3 tháng.
- Hạn chế vận động cùng cơ thể đang bị tổn thương.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học và phù hợp: hạn chế sử dụng các thực phẩm dễ gây sẹo lồi như rau muống, trứng, xôi.
- Kết hợp sử dụng các phương pháp trị sẹo, ngăn ngừa sẹo vào thời điểm vàng.
Nguồn tham khảo: Everything You Need to Know About Keloid Scars
Xem thêm:
Trinh đã bình luận
Mình có nghe nói so nacurgo có thể trị sẹo lồi được, ko biết sử dụng trong vòng bao lâu thì có hiệu quả ạ
Dược sĩ Kim Dung đã bình luận
Bạn nên sử dụng sp từ 2 đến 3 tháng để thấy hiệu quả nhé