Sẹo lồi có thể không gây nguy hiểm tới sức khỏe nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ, nhiều người đã lựa chọn các liệu pháp thẩm mỹ trị sẹo, đem lại hiệu quả tương đối tốt. Trong bài viết này, Nacurgo Gel sẽ cung cấp tới người đọc những thông tin về các dạng phẫu thuật sẹo lồi được áp dụng hiện nay.
1. Sẹo lồi là gì?
Sẹo lồi là dạng sẹo tương đối phổ biến, có thể xuất hiện ở những vùng da mặt, cổ, phần bụng, ngực, lưng, tứ chi hoặc trước xương ức, vùng dái tai sau xỏ lỗ.
Sẹo lồi hình thành do sự tăng sinh quá mức các sợi collagen ở vùng da tổn thương sau các phẫu thuật có vết cắt, bỏng da hoặc do mụn để lại. Sẹo nhô lên khỏi bề mặt da, có màu hồng đỏ hoặc đỏ sẫm, phát triển lành tính trong vài năm đầu, có thể lan rộng sang vùng da xung quanh. Các vết sẹo lồi thường gây ngứa, căng tức da, khó chịu mỗi khi chạm vào, không tự biến mất, có thể tiến triển nặng hơn hoặc tái phát sau khi điều trị.
Hiện nay, các biện pháp được áp dụng để cải thiện tình trạng sẹo lồi gồm có:
- Làm mờ sẹo tại nhà dùng các nguyên liệu tự nhiên như nghệ, mật ong, nước cốt chanh.
- Sử dụng kem/gel dành riêng cho sẹo lồi: Hiruscar, Klirvin, Nacurgo Gel.
- Phẫu thuật xóa sẹo: dùng laser xóa sẹo, can thiệp nội khoa cắt sẹo.
- Các liệu pháp xạ trị, liệu pháp trị sẹo vật lý.
2. Phẫu thuật sẹo lồi là gì?
Phẫu thuật sẹo lồi hiện được coi là giải pháp hiệu quả để loại bỏ các vết sẹo mức độ trung bình đến nặng trong trường hợp kem trị sẹo hoặc dùng các nguyên liệu tự nhiên làm mờ sẹo không có tác dụng, sử dụng các dụng cụ và cách thức đặc biệt để can thiệp, bóc tách sẹo, hoặc dùng năng lượng cao để cắt đứt các liên kết tạo sẹo.
Phẫu thuật sẹo lồi thường được tiến hành trong trường hợp vết sẹo nhô cao, có độ co kéo lớn; hoặc vết sẹo lan rộng sang vùng da không tổn thương và gây biến dạng da.
Tuy nhiên, một số đối tượng không được khuyến cáo thực hiện phẫu thuật loại bỏ sẹo lồi, gồm:
- Người bệnh thể trạng kém, rối loạn chức năng đông máu khiến tăng nguy cơ nhiễm trùng, vết thương lâu lành.
- Người mắc các bệnh lý suy giảm chức năng gan, thận, các bệnh lý tim mạch hoặc bệnh truyền nhiễm: do có thể gây nhiễm trùng, nguy hiểm đến tính mạng trong quá trình phẫu thuật.
- Người có cơ địa dễ tạo sẹo lồi: ảnh hưởng đến hiệu quả trị sẹo, sẹo có thể tái phát sau phẫu thuật.
- Đối tượng bệnh nhân có sẹo nhỏ không gây ảnh hưởng quá lớn đến vấn đề thẩm mỹ.
Các kỹ thuật phẫu thuật sẹo lồi sẽ được lựa chọn tùy thuộc vào đặc điểm của vết sẹo, kích thước sẹo cũng như vị trí vết sẹo:
- Với sẹo lồi kích thước nhỏ: khâu thẩm mỹ là biện pháp phổ biến, phẫu thuật lạnh.
Với sẹo có kích thước lớn:
- Kỹ thuật chuyển vạt da
- Ghép da nhân tạo
- Ghép da tự thân
- Kỹ thuật giãn da
- Vi phẫu trị sẹo lồi
- Phẫu thuật cắt sẹo dùng W – plasty và Z – plasty
3. Các biện pháp phẫu thuật sẹo lồi
3.1 Liệu pháp khâu thẩm mỹ
Khâu thẩm mỹ thường áp dụng đối với những vết sẹo lồi có kích thước nhỏ, sử dụng chỉ khâu tự tiêu luồn dưới da sau khi vết sẹo được cắt bỏ. Chỉ thẩm mỹ tự tiêu khiến cho vết thương không để lại sẹo. Với sẹo lồi kích thước nhỏ, cắt bỏ đơn giản, bác sĩ có thể dùng keo sinh học chuyên dụng để dán lại vết cắt thay cho việc sử dụng chỉ.
Kỹ thuật khâu thẩm mỹ được áp dụng khá phổ biến, tiến hành nhanh, hạn chế được dấu vết thẩm mỹ và nguy cơ tái phát sẹo.
3.2 Phương pháp phẫu thuật lạnh loại sẹo lồi
Kỹ thuật này sử dụng Nitơ lỏng (nhiệt độ khoảng -196oC) tác động lạnh vào vi tuần hoàn, gây hủy hoại tế bào và mao mạch để gây ra những thay đổi gồm huyết khối, chết tế bào. Các mô sẹo thiếu oxy sẽ dẫn đến hoại tử, bị bong tróc ra và sẹo lồi sẽ xẹp xuống.
Lộ trình thực hiện: dùng Nito lỏng áp hoặc phun trực tiếp lên vết sẹo, mỗi lần cách nhau khoảng 2 – 3 tuần. Thời gian trị liệu có thể kéo dài trong khoảng 8 – 10 lần điều trị.
Phẫu thuật lạnh đem lại hiệu quả trên khoảng 50 – 70% bệnh nhân có sẹo lồi, có thể tiến hành đồng thời với tiêm Corticoid để tăng đáp ứng điều trị. Tuy nhiên, liệu pháp này có thể gây ra tác dụng không mong muốn như gây đau, mất sắc tố sau thời gian điều trị.
3.3 Ghép da tự thân và ghép da nhân tạo
Được chỉ định với các vết sẹo lồi có kích thước lớn, có khả năng kéo căng da, khiến cho các mô da xung quanh biến dạng mức độ nặng.
- Kỹ thuật ghép da tự thân: thực hiện lấy 1 phần da từ vùng đùi hoặc mông của người bệnh, cấy trực tiếp lên vùng da có sẹo. Kỹ thuật này mang đến hiệu quả tương đối cao, khoảng 90% bệnh nhân có thể loại bỏ hoàn toàn sẹo lồi. Ngoài ra, đối với sẹo vùng da mặt, bác sĩ cũng có thể thực hiện ghép da toàn bộ: cắt bỏ hoàn toàn vùng da thừa sau đó khâu lại để các mô, các tế bào tiếp tục phát triển.
- Kỹ thuật ghép da nhân tạo: 1 phần mô sợi nguyên bào của người bị sẹo sẽ được chiết tách và đưa đi nuôi cấy, hình thành tế bào da mới. Các tế bào này sẽ được ghép vào vùng sẹo tương tự với ghép da tự thân, tiến hành khâu kín vết mổ và để da tự lành.
3.4 Phẫu thuật sẹo lồi dùng W – plasty và Z – plasty
W – plasty và Z – plasty thường được áp dụng đối với các vết sẹo lồi có kích thước lớn hoặc vết sẹo lâu năm khi các biện pháp trị sẹo khác không mang lại tác dụng. Phẫu thuật dùng W – plasty và Z – plasty làm giãn các mô sẹo, thực hiện cắt đứt các liên kết bên trong sẹo, tạo điều kiện để collagen tăng sinh và lấp đầy vết sẹo. Sau khi cắt sẹo, vết sẹo lồi cũ sẽ được khâu kín và để da tự phục hồi.
Tuy nhiên, hiệu quả của liệu pháp này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nguy cơ tái phát lên tới 40%. Để hạn chế sẹo tái phát, phương pháp này thường được thực hiện đồng thời với việc tiêm Corticoid hoặc Interferon.
3.5 Phẫu thuật thẩm mỹ sẹo lồi với sóng laser
Đây là kỹ thuật thẩm mỹ hiện đại, sử dụng bước sóng năng lượng cao để phá hủy cấu trúc sẹo chỉ trong 1 lần cắt đốt. Laser CO2 thường áp dụng đối với những vết sẹo lồi không lan rộng sang vùng xung quanh, không gây xâm lấn và tổn thương mô lành.
Khi tác động vào cấu trúc mô da, Laser CO2 Fractional còn kích thích đồng thời sự tăng sinh mô da, tái tạo cấu trúc da bên trong sẹo. Bên cạnh đó, kỹ thuật dùng laser phẫu thuật giúp làm giảm nguy cơ xuất huyết và nhiễm trùng da, mang lại hiệu quả thẩm mỹ cao.
3.6 Vi phẫu trị sẹo lồi
Vi phẫu thường được khuyến cáo áp dụng cho các vết sẹo phức tạp, khó trị liệu ở vị trí vùng đầu, cánh tay hay vùng cổ. Kỹ thuật này đòi hỏi chuyên môn cao của người thực hiện, sử dụng các thiết bị y khoa hiện đại để khâu nối các mao mạch, có thể tác động đến dây thần kinh của người bệnh. Hiệu quả trị sẹo của vi phẫu rất cao, không gây ảnh hưởng đến chức năng vật lý cả các mô cơ.
3.7 Phẫu thuật đặt túi giãn da/chuyển vạt da
Với các vết sẹo kích thước quá lớn không thực hiện được ghép da tự thân hoặc ghép da nhân tạo, bác sĩ thường chuyển sang kỹ thuật làm giãn da: thực hiện đặt túi giãn bằng silicon vào vùng da bên cạnh vết sẹo lồi để kích thích các mô da phát triển mạnh đến khi có đủ diện tích da che phủ thì tháo túi và cắt sẹo.
Kỹ thuật chuyển vạt da thường được áp dụng cho các vết sẹo lồi có kích thước trung bình. Sau khi cắt bỏ nhân sẹo lớn, miệng vết thương được khâu lại, vạt da bên cạnh vết khâu sẽ được chuyển sang để không gây xô lệch, co kéo vùng da mới phẫu thuật.
4. Chăm sóc sau phẫu thuật sẹo lồi
Sau phẫu thuật sẹo lồi, để hạn chế tái phát sẹo, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Chăm sóc vùng da phẫu thuật đúng theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị: sử dụng các chế phẩm sát trùng vết thương được chỉ định, nắm rõ các bước vệ sinh vết thương để tránh nhiễm trùng.
- Giữ vệ sinh da, thay băng gạc thường xuyên, có thể sử dụng kem/gel hỗ trợ liền vết thương theo chỉ dẫn của bác sĩ điều trị.
- Hạn chế sử dụng mỹ phẩm hoặc các chế phẩm chứa cồn, chế phẩm gây khô da, kích ứng da trên vết thương mới phẫu thuật.
- Chú ý chế độ dinh dưỡng, kiêng ăn các loại thực phẩm như thịt gà, thịt đỏ, đồ nếp, các loại hải sản dễ gây dị ứng để tránh sẹo tái phát.
- Tránh vận động mạnh hoặc gây áp lực lên vết thương mới phẫu thuật, tránh vết khâu bị rách, ảnh hưởng đến hiệu quả trị sẹo.
5. Một số câu hỏi thường gặp về phẫu thuật sẹo lồi
5.1 Bị cơ địa sẹo lồi có nên phẫu thuật không?
Kết quả từ một số nghiên cứu của các chuyên gia da liễu cho thấy: ở người có cơ địa sẹo lồi, tỉ lệ tăng sinh collagen có thể cao gấp 3 lần người bình thường, nguy cơ hình thành sẹo lồi cao gấp 2 lần so với bình thường khi có vết thương hở, nguy cơ tái phát sẹo cũng cao ở nhóm đối tượng này.
Vì thế, người có cơ địa sẹo lồi không được khuyến cáo phẫu thuật loại bỏ sẹo do khả năng phát triển và lan rộng của mô sẹo còn cao hơn so với kích thước sẹo ban đầu.
5.2 Phẫu thuật sẹo lồi ở đâu?
Hiện nay, bạn có thể tiến hành phẫu thuật sẹo lồi tại nhiều nơi trên toàn quốc: các phòng khám chuyên khoa da liễu, tại bệnh viện hoặc tại các cơ sở thẩm mỹ. Trước khi tiến hành phẫu thuật, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa, đồng thời chú ý lựa chọn các địa chỉ uy tín, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm để đảm bảo an toàn trong và sau phẫu thuật trị sẹo.
5.3 Chi phí phẫu thuật sẹo lồi hết bao nhiêu?
Chi phí phẫu thuật sẹo lồi phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Đặc điểm, tính chất, kích thước sẹo.
- Mức độ nặng/nhẹ của sẹo.
- Địa chỉ phẫu thuật sẹo.
- Kỹ thuật loại bỏ sẹo lựa chọn.
Người bị sẹo có thể tham khảo bảng giá phẫu thuật được công bố trên website của các Thẩm mỹ viện, hoặc các bệnh viện, các phòng khám chuyên khoa da liễu, lắng nghe tư vấn của các chuyên gia để lựa chọn liệu pháp phù hợp nhất về kinh tế và đem lại hiệu quả cao nhất.
Bài viết tham khảo:
Liên đã bình luận
Phẫu thuật trị sẹo lồi có nhanh khỏi không ạ
Dược sĩ Kim Dung đã bình luận
Thời gian trị sẹo lồi bằng phẫu thuật ngắn nhưng chi phí khá cao bạn nhé